Bản tin VIVA ONLINE

Chia sẻ các kiến thức về Viva Online, kinh nghiệm quản lý bán hàng, sử dụng VIVA để quản lý khách hàng và thúc đẩy doanh số!

Có bao giờ bạn tự ngẫm: “Sao mình đi làm vất vả bao năm, dù lương cũng ổn định mà không dư dả được đồng nào?” Nếu trong đầu xuất hiện suy nghĩ ấy thì cũng đã đến lúc bạn điều chỉnh lại thói quen chi tiêu. Nhất là bạn phải bỏ được những sai lầm dưới đây, như vậy mới tiết kiệm, có của ăn của để được nhé.

Không lập ngân sách và kế hoạch chi tiêu

Nếu không có ngân sách và kế hoạch chi tiêu cụ thể, bạn sẽ không thể hoàn thành các mục tiêu tài chính mà mình đặt ra. Ví dụ lương của bạn là 10 triệu, nếu chi tiêu vô tội vạ, đến cuối tháng bạn có thể sẽ hết sạch tiền hoặc gánh thêm một số nợ nhất định. Nhưng nếu con số 10 triệu này được phân chia từng khoản nhỏ thì kết quả sẽ khác. Cụ thể, 20% cho khoản chỗ ở, đi lại. 40% cho sinh hoạt hằng ngày, 10% chăm sóc bản thân, 10% cho những chi phí phát sinh như lễ lộc, tiệc tùng. 10% đầu tư cho tri thức và 10% còn lại cho tiết kiệm cùng tái đầu tư. Một khi chia tổng tiền lương theo tỷ lệ này và áp dụng theo kỷ luật thì đảm bảo trong vòng vài tháng, bạn sẽ có một khoản dư đáng kể.

Chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập tăng lên

Hầu hết mọi người sẽ tự cho phép bản thân chi tiêu phóng khoáng khi có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu là một người chỉ nghĩ cách tiêu hết số tiền kiếm được, thì bạn sẽ không bao giờ giàu được, thậm chí rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đến lúc có chuyện lại phải chạy đi vay mượn khắp nơi.

chi tiêu nhiều hơn thu nhâp

ảnh: Tailieuielts

Và thực tế là nếu nhìn lại, bạn sẽ nhận ra một điều rằng: Thu nhập của bạn càng tăng thì số tiền cuối tháng bạn có được sẽ càng giảm. Vì sao ư? Vì nếu mỗi tháng bạn có thu nhập 10 triệu, bạn sẽ chỉ gói gọn chi tiêu trong 10 triệu ấy. Nhưng nếu có tháng thu nhập của bạn tăng lên thành 15 triệu nhờ vào khoản tiền thưởng định kì chẳng hạn, thì suy nghĩ đầu tiên trong bạn sẽ là: "Mình nên tự thưởng cho bản thân điều gì" Và kết quả là: Thay vì có thêm một khoản tiền tiết kiệm thì bạn lại nhẵn túi. 

Vậy làm thế nào để khắc phục được điều này? Câu trả lời cũng giản đơn thôi. Nếu có được một khoản tiền dư ra ngoài dự tính, điều đầu tiên bạn cần làm là cho vào khoản tiết kiệm. Có như vậy thì bạn mới có thể quên chuyện "hưởng thụ một ít" từ chúng. Hoặc nếu bạn đã và đang là một nhà đầu tư, đừng ngần ngại để khoản tiền vào quỹ đầu tư của mình, để tiền không mất đi mà ngày một “đẻ ra” nhiều gấp mấy lần như thế.

Tập trung vào hiện tại và không có kế hoạch cho tương lai

Đây là một điều khá phổ biến với những người mang quan điểm chỉ có một cuộc đời để sống nên thường chọn cách hưởng thụ, “hết mình” cho hiện tại, đồng nghĩa “viêm màng túi”,  không để lại bất kì khoản dự phòng nào cho tương lai.

Thế nhưng, tương lai không phải là một viễn cảnh xa xôi của 10 hay 20 năm nữa. Tương lai có thể là ngay ngày mai bạn sẽ mất việc làm, ngày mai dịch bệnh sẽ bùng phát, mọi thứ bị đóng băng... Vậy thì bạn sẽ sống tiếp thế nào khi không có khoản tiền dự phòng nào trong tay? Nếu nghĩ đến điều này thì chắc chắn bạn sẽ không còn tiêu xài hoang phí nữa. 

Lạm dụng thẻ tín dụng

Một thói quen xấu có thể khiến bạn nghèo đi là sử dụng thẻ tín dụng không hợp lý, chẳng hạn như mua những thứ không hữu ích và không cần thiết. Lúc này, bạn sẽ phải gánh lãi suất thẻ tín dụng rất cao nếu không trả nợ đúng hạn, như thế trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình tài chính chung. Chưa kể, nhiều người chỉ thấy cái lợi trước mắt, được tiêu trước trả sau, rồi chi tiêu tiện lợi, mọi lúc mọi nơi, mà quên đi cái hại lâu dài, đó là tiền nợ lớn dần theo từng tháng. Vậy nên, bạn nên nhớ rằng lạm dụng thẻ tín dụng thì có ngày khóc ròng hối hận.

Mua nhiều vì ham rẻ 

Để đánh vào tâm lý khách hàng, nhiều cửa hàng cũng như siêu thị áp dụng chính sách khuyến mãi và nếu như ham rẻ thì bạn nhanh chóng trở thành “con mồi”, rồi khiến bản thân tốn kém. 

mua nhiều vì ham rẻ

Ảnh: Tintuconline

Lấy ví dụ cụ thể, nếu như khi đi siêu thị, giữa 1 gói gia vị 40.000đ với khuyến mãi 2 gói 60.000đ, chắc chắn lựa chọn của bạn là 2 gói khuyến mãi và mừng thầm vì chiếc deal siêu hời này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhu cầu sử dụng. Thực tế, bạn chỉ cần 1 gói và vô hình chung đang bị thâm hụt đi 20.000đ, đáng nói hơn là gói gia vị còn lại không biết có dùng kịp hạn sử dụng hay không, không khéo lại quăng bỏ hoang phí.

Vậy nên, bạn hãy bỏ tính ham rẻ, để tránh phải chi nhiều hơn số tiền dự kiến ban đầu, làm không thể tiết kiệm được.

Luôn nghĩ còn quá sớm để tiết kiệm

Khi còn trẻ, bạn rất dễ bị cuốn vào những thú vui khác nhau mà chỉ cần bỏ tiền là có thể mua được. Chúng ta hay nghĩ rằng hôm nay còn quá sớm để bắt đầu tiết kiệm hoặc đầu tư. Tuy nhiên điều đó thực sự là sai lầm. Hãy tập thói quen tích lũy tiền bạc ngay từ hôm nay, dù thu nhập của bạn cao hay thấp. 

Trên thực tế, các chuyên gia đều khuyên rằng bạn nên tiết kiệm trước khi tính đến chuyện chi tiêu. Hãy để dành một phần của bất kỳ khoản tiền nào bạn nhận được và sau đó là tiêu phần còn lại. 

Không đầu tư

Đầu tư là một trong những giải pháp hiệu quả để mang lại sự ổn định tài chính, vẫn hơn là chỉ giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm rồi sẽ phải gánh một tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng nhận được mỗi năm. Có người bảo đầu tư luôn có rủi ro nhất định, điều này không sai nhưng bản thân bạn có thể được giảm thiểu nhờ việc liên tục học hỏi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm. 

không đầu tư mà chỉ tiêu hoang phí

Ảnh: Tapchitaichinh

Nói chung, chỉ cần bạn bỏ những sai lầm vừa kể trên thì tương lai không phải lo cảnh chưa hết tháng đã hết tiền hay nghèo mãi hoàn nghèo đâu nhé.

Nguồn: Webtretho