Bản tin VIVA ONLINE

Chia sẻ các kiến thức về Viva Online, kinh nghiệm quản lý bán hàng, sử dụng VIVA để quản lý khách hàng và thúc đẩy doanh số!

Cuộc sống đang thay đổi, nên có những quy tắc nuôi dạy con của các bậc cha mẹ dường như đã "hết hiệu lực".

Dưới đây là 6 sai lầm của thế hệ trước khiến cho trẻ gặp rắc rối trong quan điểm về tiền bạc khi trưởng thành.

Lý do khiến trẻ em hiểu sai vè tiền
Điều quan trọng là dạy con thích nghi linh hoạt và điều chỉnh trước những thay đổi, thay vì chỉ tiết kiệm từng đồng. Ảnh: Fatherly.

1. Quan điểm ‘việc nhẹ lương cao’

Ý tưởng về việc một người nên có một nghề nghiệp ổn định trong suốt cuộc đời họ dường như không còn đúng đắn. Một số nghề nghiệp hiện tại thịnh hành thậm chí chưa từng tồn tại từ 10 năm trước. Việc bố mẹ định hướng cho con nghề nhiều tiền thay vì xuất phát từ niềm đam mê của con cái là sai lầm của không ít phụ huynh.

Ví dụ, Max từ nhỏ đã thích mày mò máy tính và tìm tòi về sự khác nhau về hoạt động giữa các chương trình máy tính. Tuy nhiên, cha mẹ cậu lại cho rằng cắm cúi vào máy tính nhiều chỉ có hại. Một ngày, Max phát hiện ra một khóa học online về kiểm thử phần mềm (software testing), và giờ đây anh đã phát triển sự nghiệp thành công trong lĩnh vực này.

Bạn có thể hỏi con thích làm nghề gì, nhưng hãy nuôi dưỡng ý tưởng, mục tiêu cho con thay vì khăng khăng áp đặt cho con một nghề nghiệp "hái ra tiền", bởi điều đó là vô nghĩa nếu con bạn không thích nghề đó. Cũng đừng tự mình định hướng cho con cái về nghề nghiệp chỉ vì bạn nghĩ nó nhàn, lương cao, bổng lộc nhiều, bởi vì điều này sẽ gieo vào đầu con cái bạn những suy nghĩ lệch lạc về đồng tiền, đặt đồng tiền lên cao nhất, thậm chí dập tắt mơ ước, đam mê thực sự của trẻ.

2. Tiết kiệm "từng xu từng hào"

Thế giới chuyển động không ngừng, mọi thứ thay đổi, cách kiếm tiền cũng như tiết kiệm truyền thống đã không còn thích hợp với thời đại ngày nay. Không ai biết chúng ta sẽ cần những kỹ năng gì để có thể tồn tại trong điều kiện kinh tế mới của tương lai. Thế nên, điều quan trọng là dạy con thích nghi linh hoạt và điều chỉnh trước những thay đổi, thay vì chỉ tiết kiệm từng đồng.

3. Cho trẻ thấy cuộc đời mình "chật vật vì tiền"

Hẳn nhiên không nên che đậy với con cái về cuộc sống thực tế của gia đình, bao gồm trong đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên chớ nên than vãn chuyện tiền quanh năm suốt tháng với con cái. Khi bạn làm như vậy, các vai trò trong gia đình bị đảo lộn, khiến trẻ hình thành tâm lý phức tạp, nửa muốn gồng mình lên giúp đỡ, nửa sợ hãi cuộc sống trưởng thành. Thậm chí, trẻ hình thành cảm xúc coi tiền là gánh nặng, là mục tiêu số một, thay vì sống một cuộc sống đơn thuần của đứa trẻ.

Chiều ngược lại, trong các gia đình giàu có, đôi khi cha mẹ cho trẻ chi tiêu không phải nghĩ. Thậm chí dù trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn cho trẻ một khoản tiêu vặt lớn, hoặc cho trẻ mua sắm tất cả những gì chúng thích mỗi khi đi siêu thị. Điều này bắt nguồn từ tâm lý "đời mình đã khổ cực, các con cần được sung sướng hơn".

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc thỏa mãn mọi mong muốn tức thời của trẻ mang lại nhiều tác hại hơn là lợi. Khả năng trì hoãn sự thỏa mãn sẽ hữu ích hơn cho tương lai của con sau này.

4. Không tiêu tiền vào "những thứ phù phiếm"

Ngoài trường học, bạn không cho trẻ có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ từ những môi trường khác, ví dụ đi xem phim, thăm quan các bảo tàng, phòng tranh, tiệm sách... vì cho là tốn tiền vào những thứ phù phiếm. Nhưng thực tế không phải vậy. Các hoạt động kể trên giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết, những kiến thức không trong sách vở này rất giá trị, góp phần giúp định hướng con người của trẻ trong tương lai.

Thêm vào đó, việc bạn sử dụng tiền bạc không khôn ngoan cũng khiến con bạn hình thành thói quen đầu tư không khôn ngoan.

5. Lấy tiền làm phần thưởng

Nhiều cha mẹ dùng tiền để "trả thưởng" cho con khi chúng hoàn thành tốt những công việc được giao, ví dụ được điểm cao trong bài kiểm tra, làm hết những việc nhà... Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh cãi trong vấn đề "trả công bằng tiền" cho trẻ.

Ví dụ, cha mẹ của Alexandra khuyến khích con học tốt bằng cách sử dụng tiền như phần thưởng. Khi cô bé được điểm cao, họ sẽ cho con một số tiền. Mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến một ngày bố mẹ Alexandra phát hiện ra rằng con gái bịa một câu chuyện thương tâm ở trường, khiến các cô giáo thương cảm, cho con bé điểm cao. Khi biết chuyện, cha mẹ Alexandra đã quyết định cắt việc thưởng tiền. Phụ huynh cho rằng việc con dối trá để có được tiền thưởng, thay vì cố gắng làm bài tốt, là điều không thể chấp nhận được.

6. Lấy những "tấm gương thành công" làm hình mẫu

Mỗi thế hệ đều có những nhân vật hình mẫu mà người trẻ cố gắng để học hỏi theo. Trong những thập kỷ gần đây, câu chuyện về những cá nhân thành công, giàu có và có tầm ảnh hưởng đã trở nên phổ biến rộng rãi.

Trong khi chúng ta cố gắng tìm hiểu và học hỏi về con đường mà họ đã đi để giàu có, giỏi giang như họ, mọi thứ sẽ không diễn ra y hệt như vậy, vì nhiều lý do. Hẳn thế, nếu không thì tất cả những người đọc sách về các tấm gương đó sẽ đều giải quyết dễ dàng vấn đề tài chính của họ.

Ví dụ, Alex yêu thích máy tính từ khi còn là một đứa trẻ. Một lần, cha đọc cho anh câu chuyện về Steve Job. Từ đó, chàng trai trẻ bắt đầu thu thập nhiều thông tin về Steve Job. Đến tuổi học đại học, Alex quyết định không cần đi học đại học, vì " Steve Job không cần đến tấm bằng đại học mà vẫn thành công". Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, Alex vẫn buộc phải đi học đại học để được thăng chức, tăng lương. Anh nói đùa rằng: "Điều mà với Steve Job là rất tốt, thì với tôi - một người bình thường, chỉ là một sự lãng phí thời gian".

Thùy Linh - VNexpress (Theo Brightside)