Bản tin VIVA ONLINE

Chia sẻ các kiến thức về Viva Online, kinh nghiệm quản lý bán hàng, sử dụng VIVA để quản lý khách hàng và thúc đẩy doanh số!

Đây là dự báo của JLL về tương lai sắp tới của ngành logistics liên quan đến kho bãi tại Việt Nam, đặc biệt là logistics phục vụ cho chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa sẽ ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT). Chỉ trong vòng 24 tháng trở lại đây đã có khoảng 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Bất chấp tác động ngắn hạn của dịch Covid -19, báo cáo mới nhất của JLL về lĩnh vực hậu cần ở châu Á - Thái Bình đã chỉ ra rằng, xu hướng chính của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào lĩnh vực hậu cần. Đặc biệt khi thương mại điện tử (TMĐT) càng phát triển bởi tác động của Covid đã làm thay đổi phương thức mua bán truyền thống. Hiện TMĐT chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương so với 14% trên toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Doanh thu từ mảng TMĐT ước đạt 4.07 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 6,2 tỷ USD vào năm 2017. Đến năm 2020, thị trường Việt Nam dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng gấp đôi năm 2017. Điều này kéo theo nhu cầu kho bãi logistics phát triển mạnh, ước tính diện tích kho vận cần cho TMĐT sắp tới sẽ gấp 3 lần hiện tại. Trong khi đó hiện nay, tổng diện tích kho bãi ở Việt Nam xấp xỉ 4 triệu m2 (miền Bắc là 880.000m2 và miền Nam là 3.033.000 m2).

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam JLL - cho biết: Kho lạnh được dự đoán sẽ trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực hậu cần tương lai. Các nhà đầu tư trong đó có khách hàng của JLL đã quan tâm đến ngành lưu trữ lạnh từ lâu, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng hóa trực tuyến trong kỳ đại dịch, đòi hỏi nhiều kho lạnh gần khách hàng hơn. Đã có sự gia tăng đột biến trong các yêu cầu hậu cần ngắn hạn liên quan trực tiếp đến tác động tức thời của đại dịch, đặc biệt là nhu cầu mua hàng trực tuyến và hỗ trợ các dịch vụ y tế như lưu chuyển và bảo quản vắc xin Covid-19 mới nếu được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Hay lưu trữ phục vụ cho ngành thủy sản xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công Thương tại sao Logistics Việt Nam nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai và đây là mảng hấp dẫn vốn FDI nhưng hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics tăng cao, bà Trang Bùi đã phân tích khá cụ thể. Theo bà Trang, chi phí cho chuỗi cung ứng (logistics) hiện nay thì chi phí vận chuyển chiếm 50%, hàng tồn chiếm 22%, nhân lực 10%, chăm sóc khách hàng 8%, còn chi phí hậu cần thuê kho bãi chỉ dưới 5% (đây là mảng Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai)... Vì vậy muốn giảm chi phí logistics cần giảm chi phí vận chuyển, hàng tồn kho… Hiện chi phí vận chuyển tăng do chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy do tình hình kiểm soát dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao.

Riêng mảng logistics bất động sản kho bãi, bà Trang cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới khi giá hạ tầng ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt tại phía Bắc còn nhiều nguồn cung chất lượng cao tập trung tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng… Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có nhu cầu thuê kho bãi nhiều hơn. Như khách hàng của JLL, nhu cầu trước đây khoảng 10.000m2 kho bãi, nay nhu cầu tăng lên 50.000m2.

Theo Minh Long - Báo Công Thương