Bản tin VIVA ONLINE

Chia sẻ các kiến thức về Viva Online, kinh nghiệm quản lý bán hàng, sử dụng VIVA để quản lý khách hàng và thúc đẩy doanh số!

Với đội ngũ lao động lành nghề, kim ngạch xuất khẩu lớn và doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ 2021 diễn ra ngày 8/4, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho hay: Việt Nam đang dần trở thành công xưởng của thế giới và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, lợi thế có nguồn nhân công khéo léo, tay nghề cao, giá cả hợp lý và công nghệ hiện đại, Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự chính xác, hiện đại trong công nghệ và tiến độ giao hàng ngay cả với những đơn hàng lớn.

Đặc biệt, một vài năm gần đây, Việt Nam đang dần có những sản phẩm xuất khẩu mang tính công nghệ cao hơn với giá trị gia tăng cao, ví dụ như các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm điện tử và linh kiện…. "Với kinh nghiệm làm việc và hợp tác cùng các công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Thuỷ nói.

Là một trong những tập đoàn lớn cung cấp sản phẩm điện tử cho thị trường châu Âu, châu Phi…, Tập đoàn Koc Holding, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới châu Á - Thái Bình Dương như một thị trường mục tiêu. Không chỉ coi đây là thị trường bán hàng tiềm năng mà còn là nơi cung cấp ổn định nguồn linh kiện, bán thành phẩm cho tập đoàn. “Trong đó, Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam có năng lực và kinh nghiệm sản xuất sản phẩm công nghệ cao, hoàn toàn đáp ứng chiến lược của tập đoàn và có thể hợp tác để sản xuất sản phẩm công nghệ cao”, ông Hakan Kozan - Giám đốc thu mua - Tổng công ty Arcelik (thuộc Tập đoàn Koc Holding) - chia sẻ.

Thực tế, dịch Covid-19 đã cho rất nhiều doanh nghiệp bài học đắt giá về việc phụ thuộc vào một nhà cung ứng. Do vậy, việc Tổng công ty Arcelik tìm tới Việt Nam để hợp tác sản xuất linh kiện và bán thành phẩm điện tử cung cấp cho công ty mẹ không phải trường hợp hiếm mà đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực. “Chúng tôi mong doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội này để trở thành đối tác không chỉ của Tổng công ty Arcelik mà còn của cả Tập đoàn Koc Holding”, ông Hakan Kozan kỳ vọng.

Với quy mô hoạt động tại 7 quốc gia trên toàn cầu và sản xuất ra các mặt hàng điện tử gia dụng, Tổng công ty Arcelik sử dụng nhiều các cấu kiện, thành phần khác nhau. Mỗi năm Tổng công ty Arcelik bỏ ra hơn 300 triệu USD nhập khẩu các linh kiện điện tử như, bo mạch, mạch kết nối… việc tìm kiếm đối tác làm nhà cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế cách đây vài năm, Tổng công ty Arcelik đã kết nối với một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu da dạng hoá nguồn cung ứng. "Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, một lần nữa thu hút Tổng công ty Arcelik tới Việt Nam”, ông Koray Derman - Trưởng nhóm mua hàng, Tổng công ty Arcelik - nói.

Cũng theo ông Koray Derman, do EU là thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp nên đòi hỏi các đối tác Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất khắt khe. Linh kiện điện tử của tổng công ty rất đặc thù nên cần tuân thủ các tiêu chuẩn riêng biệt, đối tác cũng cần có kinh nghiệm chuyên sâu về sản phẩm và bo mạch điện tử, có năng lực thử nghiệm sản phẩm của riêng mình.

Ngoài ra, Tổng công ty Arcelik quản lý tất cả linh kiện đặt tại nhà cung ứng chứ không qua đơn vị thứ 3, do vậy mong muốn tìm kiếm đối tác có năng lực cung ứng tốt, có năng lực thiết kế, có hệ thống quản trị, nhất là quản trị nguồn lực tốt. “Đặc biệt, đối tác Việt Nam cần phát triển hệ thống cung ứng riêng chứ không phụ thuộc vào các nhà cung ứng khác bởi độ rủi ro rất cao”, ông Koray Derman nhấn mạnh.

Có thể thấy, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và linh kiện điện tử rất lớn. Ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - phân tích: Ngành công nghiệp điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển rất nhanh và mạnh, đã xuất khẩu sản phẩm tới 200 quốc gia trên thế giới, dư địa hợp tác rất lớn. Hiện Việt Nam cũng đã xuất khẩu điện thoại di động, máy tính và một số mặt hàng điện tử khác. "Hội nghị này góp phần thúc đẩy xuất khẩu không chỉ mặt hàng điện tử thành phẩm mà còn cả linh kiện của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp điện tử Thổ Nhĩ Kỳ tái cân bằng nguồn cung cấp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19", ông Lê Phú Cường nhấn mạnh.

Theo Việt Nga - Báo Công Thương