Bản tin VIVA ONLINE

Chia sẻ các kiến thức về Viva Online, kinh nghiệm quản lý bán hàng, sử dụng VIVA để quản lý khách hàng và thúc đẩy doanh số!

Giá vàng ở cả trong nước và thế giới đang thiết lập những vùng giá lịch sử mới. Tuy nhiên, giá vàng trong ngắn hạn thường thay đổi hoàn toàn ngẫu nhiên, không ai đoán trước được. Do vậy, việc "lướt sóng" đầu tư ngắn hạn là rất rủi ro.

Giá vàng thế giới và trong nước đang có xu hướng tăng mạnh nhất từ đầu năm 2020. Tại thị trường Mỹ, chốt phiên hôm qua, giá vàng đã tiến tới mốc 1.886 USD/ounce, tiếp tục lập đỉnh mới trong vòng 9 năm qua.

Những lo ngại về nền kinh tế Mỹ, đồng USD giảm giá đã khiến giới đầu tư chuyển sang vàng, quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR vừa thực hiện mua thêm 5,26 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ lên 1.225,01 tấn.

Trong khi giá của kim loại quý thế giới chỉ mất hơn 1 tuần để tăng từ vùng 1.800 USD/ounce lên mức gần 1.900 USD/ounce hiện tại thì chỉ cần 2 tuần, vàng trong nước cũng tăng từ mức 49 triệu đồng đến mốc 55 triệu đồng/lượng. Đến sáng 24/7, giá bán ra vàng SJC tại nhiều cửa hàng thậm chí đã vượt mốc 55 triệu đồng/lượng.

Phiên hôm 23/7, vàng miếng đang được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 53,6-54,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với ngày trước đó, giá tại đây đã tăng hơn một triệu đồng, và là vùng giá cao nhất trong lịch sử vàng trong nước.

Giá vàng liên tục tăng, liệu đây có phải là một kênh đầu tư sinh lời tốt vào thời điểm hiện tại?

Việt Nam nằm trong top 20 nước tiêu thụ vàng trên thế giới

Tỷ lệ tiêu thụ vàng được sản xuất trên thế giới ước khoảng 50% trong lĩnh vực trang sức, 40% để đầu tư và 10% trong công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về lượng tiêu thụ vàng trên đầu người. Chỉ trong năm 2019, người Việt mua đến 56 tấn vàng.

Người tiêu dùng trong nước thường có hai mục đích chính cho việc mua vàng. Thứ nhất là dùng vàng làm tài sản để tiết kiệm, đầu tư; thứ hai là dùng vào cho nhu cầu trang sức. Tính về số lượng, vàng miếng và tiền vàng vẫn chiếm tới 70% tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam.

So sánh vàng Việt Nam và vàng thế giới

Ta thường thấy giá vàng thế giới được niêm yết với đơn vị đo lường là ounce, trong khi tại Việt Nam lại dùng đơn vị lượng, chỉ. Tác giả Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản trị Kinh Doanh BizUni, có cách giải thích dễ hiểu như sau:

Trên thị trường thế giới, vàng thường được đo lường theo hệ thống khối lượng troy, trong đó 1 troy ounce (ozt) tương đương 31,1034768 gam.

Trong ngành kim hoàn ở Việt Nam, khối lượng của vàng được tính theo đơn vị là lượng (lượng hay lạng) hoặc chỉ. Một lượng vàng nặng 37,50 g. Một chỉ bằng 1/10 lượng vàng.

- Quy đổi đơn vị tính gram - oz (troy ounce)

1 troy oz = 31,1034768 grams. Do đó 1 Lượng (37.5 g) = 37,5/31,103478 oz = 1,20565 oz hay 1 oz = 0,82945 Lượng

Công thức cơ bản để tính giá vàng Việt Nam:

Giá vàng VIệt Nam = (Giá Thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm) x (1 + thuế NK) : 0,82945 x tỉ giá USD/VND.

Tuy vậy, giá vàng Việt Nam luôn cao hơn giá của cách tính cơ bản. Độ chênh lệch này do luật cung cầu tại thị trường Việt Nam quyết định.

Xu hướng biến động của giá vàng

Theo phân tích của ông Lâm Minh Chánh, vàng là tài sản có giá trị, lượng cung hạn chế trong khi cầu luôn tăng nên về cơ bản, giá vàng sẽ tăng trong dài hạn. Nhưng giá vàng sẽ không tăng đều như các nhà đầu tư mong muốn.

Những khi kinh tế kinh tế thế giới biến động, suy thoái, giá vàng sẽ tăng rất cao, và sau đó lại điều chỉnh giảm. Quy luật này đang tỏ ra khá phù hợp với tình hình hiện tại, khi nền kinh tế thế giới đang "chịu đòn" từ Covid-19 thì giá vàng vẫn liên tục lập "đỉnh".

Giai đoạn năm 1990 – 2005: giá vàng khá thấp, và khá ổn định. Giá dao động ở mức 400 USD/ounce, thất nhất là 252.

Giai đoạn 2005 – 20011: Giá vàng tăng nhanh. Bắt đầu mức giá 444 USD/ouce, giá vàng đã tăng dần đều trong các năm này, và đạt đỉnh 1.896 USD/ounce trong năm 2011.

Giai đoạn 2011 – 2015: Giá vàng giảm dần đến mức 1.100 USD/ounce.

Gia đoạn 2015 – 2019: Giá vàng tăng đều trở lại. Mức đóng cửa ngày 14/1/2020: 1552 USD/ounce.

Đầu tư vàng: Hiệu quả nếu mua ở vùng giá thấp và đầu tư dài hạn

Để giải thích cho nhận định trên, ông Lâm Minh Chánh đưa ra ví dụ đơn giản sau:

Giả sử chúng ta mua vàng vào năm 2000: giá 300 USD/ounce, năm 2019 bán với giá 1.500 USD chúng ta đạt lãi suất 8,84%/năm.

Giả sử chúng ta mua vàng vào năm 2005: giá 450 USD/ounce, năm 2019 bán với giá 1.500 USD chúng ta đạt lãi suất 8,98%/năm.

Đây là lãi suất tính theo tiền USD.

Rất tiếc, vì không có lịch sử giá vàng Việt Nam nên không tính tỷ suất lợi nhuận theo đồng Việt Nam.

Ngược lại, người đầu tư vàng sẽ đối mặt với rủi ro mất vốn, giảm vốn, thanh khoản là khá thấp trong đầu tư vàng. Vì thế người dân, những nhà đầu tư nghiệp dư, bán chuyên, nên có tỷ lệ 5 - 10% vàng trong danh mục đầu tư dài hạn của mình.

Trong khi đó, những nhà đầu tư kinh doanh vàng ngắn hạn, kinh doanh vàng trên sàn đa số là thua lỗ. 

Tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân" cũng quan điểm rằng, trong ngắn hạn, giá vàng nhảy hoàn toàn ngẫu nhiên. Gần như không ai đoán được. Thông thường, thì trước khi lên giá, nó sẽ có vài cơn xuống giá để "xử", hù doạ những người mua vào. Trước khi xuống giá, nó sẽ có vài cơn sóng lên giá để "xử", hù doạ những người bán xuống.

Do vậy nhà đầu tư nghiệp dư chỉ nên đầu tư vàng lâu dài. Không nên sa đà vào mua mua bán bán.

Nhà nước không khuyến khích dân đầu tư vàng

Sản lượng tiêu thụ vàng những năm gần đây của Việt Nam đang có xu hướng giảm, từ sau giai đoạn 2010-2013 khi Chính phủ ban hành các quy định nhằm kiểm soát thị trường vàng và chấm dứt tình trạng "vàng hóa" trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó,khi người dân dùng tiền đầu tư vàng thì họ cũng hầu như không đóng góp gì cho nền kinh tế, thậm chí làm tốn ngoại tệ vì Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất.

Hiện nay, theo thống kê khá tin cậy, số vàng mà dân Việt Nam đang cất giữ để phòng thân, đầu tư dài hạn là 500 tấn. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ huy động số vàng nhằm phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi, vì 3 nhóm nguyên nhân chính sau đây:

1) Lòng tin của dân vào nhà nước. Dân phải đủ lòng tin thì mới mở hầu bao, mới đụng tới vàng là món mà họ cất kỹ;

2) Rủi ro của việc tăng giá. Nếu nhà nước mượn vàng để đổi ra tiền thì rủi ro tăng giá vàng là rủi ro cực cao. Nếu Nhà nước mượn vàng để làm tài sản cầm cố thì giảm thiểu rủi ro này.

3) Tăng sự đầu cơ vào vàng. Trước đây khi các ngân hàng chấp nhận xem vàng tương đương tiền, và trả lãi trên vàng gỏi, thì tình hình đầu cơ vàng rất lớn. Nhà nước đã rất nỗ lực để giảm thiểu đầu cơ vàng, Nếu bây giờ lại huy động vàng của dân và trả lãi thì vàng sẽ không còn là đồng tiền chết, mà trở thành đồng tiền lưu thông, lúc đó lại xảy ra nguy cơ đầu cơ vàng.

Theo T.D - Tổng hợp